image banner
Thăng trầm nghề… giữ nhịp thời gian
Từng là nghề mang lại thu nhập khá, là nguồn sống chính của nhiều gia đình, nhưng nghề sửa đồng hồ giờ đây ngày càng ít người mặn mà với nó.

Ông Hùng gắn bó với nghề sửa đồng hồ đã 46 năm.

Từng rất… hot

Chăm chút từng công đoạn cho cái đồng hồ của một khách hàng vừa gửi sửa, ông Nguyễn Văn Hùng, ở khu vực 1, phường III, thành phố Vị Thanh, nhớ lại: Từ hồi làm nghề tới giờ tính ra cũng 46 năm rồi, cũng nhờ nghề này mà ông lo cho cả gia đình. Tiệm sửa đồng hồ của ông Hùng nằm ở phường I. Nói tiệm cho sang chứ thật ra chỉ là một cái tủ kính nhỏ cùng những chiếc đục, kéo, nhíp, kính lúp, chổi quét và tất cả đều… nhỏ xíu. Bởi vậy, chiếc kính lúp là vật bất ly thân với những người làm nghề sửa đồng hồ như ông. Trong chiếc tủ đó, ông còn trang bị nhiều phụ tùng, dụng cụ để phục vụ theo yêu cầu của khách hàng.

Ngót nghét 46 năm làm nghề sửa đồng hồ, ông Hùng không nhớ nổi ông đã làm “sống lại” bao nhiêu chiếc đồng hồ. Ông chia sẻ: Năm 1975 khi mới 13 tuổi ông bắt đầu học nghề, đến năm 1976 thì ông ra nghề. Với nghề này, ngoài kiến thức được học thì quan trọng nhất là nghề dạy nghề, tích lũy kinh nghiệm. Theo ông Hùng, những năm 1970-2000 nghề sửa đồng hồ “hot” lắm. Thời ấy, giới trí thức rất thích đeo đồng hồ. Giá của mỗi chiếc đồng hồ đeo tay khi ấy không rẻ. Chính vì thế, những thợ sửa đồng hồ như ông lúc đó tuy nhiều nhưng ai nấy cũng ăn nên làm ra. “Tôi nhớ lúc đó tại đây có trên 30 người làm nghề này mà thu nhập khá lắm, một người làm có thể nuôi 3, 4 miệng ăn, thậm chí cả gia đình”, ông Hùng cho biết.

Mấy mươi năm làm nghề, niềm vui của ông Hùng là mỗi ngày được cặm cụi với từng chiếc đồng hồ của khách hàng. Ông Hùng chia sẻ: “Theo thời gian, các loại đồng hồ thay đổi cũng nhiều. Đồng hồ hiện nay dễ sửa hơn, bởi đa số chỉ thay pin, thay dây, còn chiếc đồng hồ cơ ngày xưa vất vả hơn rất nhiều, đòi hỏi người thợ phải tỉ mẩn và mất khá nhiều thời gian để sửa”.

Năm nay, ông Hùng đã 60 tuổi, ngày ngày ông vẫn đi làm. Ông bồi hồi: Đã gắn bó với nghề thì khó lòng mà bỏ được, nên bất kể trời nắng hay mưa, mỗi ngày ông vẫn ngồi phía sau chiếc tủ đồ nghề, nép mình mưu sinh ở góc đường quen thuộc, để sửa đồng hồ cho những ai có nhu cầu.

Cha truyền con nối…

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề sửa đồng hồ, từ thời con gái, chị Nguyễn Thị Hồng Oanh, ở khu vực 4, phường I, đã được cha truyền nghề. Lúc mới đầu chị chỉ xem cha sửa đồng hồ, rồi đam mê nghề này từ lúc nào không hay. “Được cha chỉ bảo, hướng dẫn sửa nhiều loại đồng hồ cộng thêm tự mày mò, dần dần tôi tự sửa được và thấy thích thú với công việc này. Lúc mới làm, tôi cũng bị mỏi mắt, vì phải tiếp xúc với các chi tiết của bộ máy tí hon tinh xảo gồm hàng trăm bộ phận, nhưng làm riết rồi quen”, chị Oanh cho hay.

Không chỉ chị Oanh gắn bó với nghề mà chồng chị cũng theo nghề này đã 20 năm. Trước đây, ông nội của chị làm nghề, rồi truyền cho cha chị, cha chị truyền nghề cho mấy anh em của chị. “Làm nghề được vài năm, tôi phải nghỉ ít năm do trông con nhỏ, đến khi con lớn tôi làm nghề trở lại. Rành nghề nên vợ chồng tôi mỗi người sở hữu một tủ sửa đồng hồ riêng”, chị Oanh cho biết.

Nghề sửa đồng hồ đòi hỏi phải tập trung, cẩn thận. Người thợ càng cẩn thận thì “bệnh” của đồng hồ càng sớm được chữa khỏi. Nhờ tính cẩn thận, uy tín của người thợ, nên chị Oanh luôn có lượng mối nhất định và nhiều khách vãng lai. Chị Oanh chia sẻ thêm: “Nghề sửa đồng hồ này cũng thất thường lắm, không có vô vụ, vô mùa như những nghề khác. Nhờ mình làm chất lượng nên khách hàng biết. Trung bình mỗi ngày tôi kiếm được gần 200.000 đồng, ngày nào đắt thì được nhiều hơn”.

Theo chị Oanh, hồi trước nghề sửa đồng hồ hưng thịnh lắm, nhờ nghề này gia đình có đồng ra đồng vô, cuộc sống ổn định. Hiện tại, dù nghề sửa đồng hồ đã qua rồi thời hoàng kim, thu nhập giảm sút, ít người theo nghề, nhưng gia đình chị vẫn gắn bó. Bởi đó là nghề truyền thống mà gia đình muốn giữ gìn. “Người anh thứ ba của tôi cũng làm nghề này, hiện nay anh ấy còn mở tiệm bán đồng hồ. Hiện nay người con gái lớn cũng được vợ chồng tôi hướng dẫn, dạy nghề, cháu cũng yêu thích nghề này. Thấy nghề gia truyền của gia đình được lưu giữ tôi mừng lắm...”, chị Oanh bộc bạch.

Mỗi một câu chuyện đời, chuyện nghề của những người thợ sửa đồng hồ tuy khác nhau nhưng đều giống ở chuyện mưu sinh. Theo thời gian, có thể nhiều ngành nghề đi vào dĩ vãng, nhưng với nhiều người, đó là cả một miền ký ức!

image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 14
  • Hôm nay: 383
  • Trong tuần: 2 700
  • Tất cả: 36851
image banner